Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tất tần tật các văn bản hướng dẫn về Phá sản năm 2024

Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

1. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Theo Điều 5 Luật Phá sản 2014 người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, bao gồm:

- Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

- Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

2. Lệ phí phá sản và chi phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản

- Theo điều Điều 22 Luật Phá sản 2014, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp lệ phí phá sản theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án nhân dân. Trường hợp người nộp đơn là người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở và người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì không phải nộp lệ phí phá sản.

- Chi phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản được quy định tại Điều 23 Luật Phá sản 2014 như sau:

+ Chi phí phá sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

+ Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn là người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở và Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

+ Tòa án nhân dân giao cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bán một số tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để bảo đảm chi phí phá sản.

+Tòa án nhân dân quyết định mức tạm ứng chi phí phá sản, mức chi phí phá sản trong từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật và quyết định việc hoàn trả tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vi phạm quy định của Luật.

3. Danh sách các văn bản hướng dẫn về phá sản mới nhất

Danh sách các văn bản hướng dẫn về phá sản mới nhất, bao gồm:

1

Luật Phá sản 2014

Luật Phá sản số hiệu 51/2014/QH13 có hiệu lực ngày 01/01/2015 quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

2

Nghị định 22/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và quản lý nhà nước đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Cụ thể tại Điều 3 có quy định một số hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Tạm đình chỉ hành nghề đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản quy định tại điều 20 và Điều 21 quy định về chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

3

Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/09/2020 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sau đây:

- Bổ trợ tư pháp, bao gồm: luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại;

- Hành chính tư pháp, bao gồm: hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; lý lịch tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp tác quốc tế về pháp luật; trợ giúp pháp lý; đăng ký biện pháp bảo đảm; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Hôn nhân và gia đình;

- Thi hành án dân sự;

- Phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

4

Thông tư 01/2015/TT-CA quy định về Quy chế làm việc của các Tổ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Thông tư 01/2015/TT-CA có hiệu lực ngày 26/11/2015 quy định về thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc, cơ chế phối hợp của Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tổ Thẩm phán giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, Tổ Thẩm phán giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

5

Thông tư 31/2018/TT-BTC về hướng dẫn việc xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 31/2018/TT-BTC có hiệu lực ngày 14/05/2018 hướng dẫn về việc xử lý tài sản (bao gồm cả thanh lý tài sản) hình thành từ nhiều nguồn vốn (vốn hỗ trợ, trợ cấp của nhà nước; từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; vốn tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia và vốn góp của các thành viên hợp tác xã) khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản. Về xử lý tài sản khi HTX, liên hiệp HTX giải thể, phá sản được quy định cụ thể tại Điều 4; Về xử lý nghĩa vụ tài chính khi bàn giao, chuyển nhượng, thanh lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi HTX giải thể, phá sản quy định ở Điều 5 của Thông tư.

6

Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định của Luật phá sản do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 16/09/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định tại Điều 8, khoản 14 Điều 9, Điều 70 và Điều 104 của Luật phá sản như: quy định về tài sản ở nước ngoài, người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài; quy định về vụ việc phá sản có tính chất phức tạp; về biện pháp khẩn cấp tạm thời; về quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản.

7

Quyết định 436/QĐ-VKSTC năm 2020 quy định về quy trình kiểm sát việc giải quyết phá sản do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Quy định 436/QĐ-VKSTC có hiệu lực ngày 24/12/2020 quy định về quy trình kiểm sát các quyết định, văn bản của Tòa án nhân dân, Hội nghị chủ nợ trong giải quyết vụ việc phá sản; quy trình lập hồ sơ kiểm sát, nghiên cứu hồ sơ vụ việc phá sản; quy trình ban hành kiến nghị, kháng nghị và quy trình tham gia các phiên họp trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản.

8

Quyết định 435/QĐ-VKSTC năm 2019 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Quyết định 435/QĐ-VKSTC 2019 có hiệu lực ngày 26/09/2019 ban hành quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản. Tại chương II của quyết định có quy định một số công tác kiểm sát như: Mục I: Kiểm sát việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Mục II: Kiểm sát việc giải quyết phá sản trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; Mục III: Kiểm sát việc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

9

Quyết định 01/2005/QĐ-TANDTC về Quy chế làm việc của tổ Thẩm phán phụ trách tiến hành thủ tục phá sản do Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành

Quyết định 01/2005/QĐ-TANDTC có hiệu lực ngày 04/06/2005 quy định nguyên tắc và chế độ làm việc của Tổ Thẩm phán phụ trách tiến hành thủ tục phá sản, trừ Tổ Thẩm phán do Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp chỉ định để xem xét, giải quyết khiếu nại, kháng nghị quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

10

Hướng dẫn 29/HD-VKSTC năm 2018 về phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị đối với những vi phạm trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Hướng dẫn 29/HD-VKSTC năm 2018 có hiệu lực ngày 01/11/2018 quy định về phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị đối với những vi phạm trong việc giải quyết đối với thủ tục phá sản được quy định chi tiết tại mục C phần II của hướng dẫn. Cụ thể gồm các nội dung: Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản và Viện kiểm sát tiến hành xem xét để thực hiện kháng nghị quyết định tuyên bố phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

11

Hướng dẫn 28/HD-VKSTC năm 2018 về lập hồ sơ kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại; lao động, phá sản; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Hướng dẫn 28/HD-VKSTC năm 2018 có hiệu lực ngày 19/10/2018 hướng dẫn về lập hồ sơ kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại; lao động, phá sản; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Tại mục III phần thứ hai hướng dẫn lập hồ sơ kiểm sát giải quyết việc phá sản như lập hồ sơ kiểm sát trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, lập hồ sơ kiểm sát việc mở hoặc không mở thủ tục phá sản và lập hồ sơ kiểm sát việc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

12

Thông tư liên tịch 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định về việc phối hợp trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Thông tư liên tịch 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực ngày 01/08/2018 quy định việc phối hợp thực hiện một số vấn đề về trình tự, thủ tục trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.186.156
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!