Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp Nghị định, Thông tư quy định về kinh doanh vàng mới nhất 2024

Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Dưới đây là tổng hợp văn bản về kinh doanh vàng mới nhất

1. Kinh doanh vàng gồm những hoạt động nào?

Căn cứ Điều 1 Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì hoạt động kinh doanh vàng bao gồm:

- Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ;

- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ;

- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng;

- Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng.

Tổng hợp Nghị định, Thông tư quy định về kinh doanh vàng mới nhất 2024 (Hình từ Internet)

2. Điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng

Căn cứ Điều 10, Điều 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng như sau:

Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng đối với doanh nghiệp:

- Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

+ Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.

+ Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.

+ Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).

+ Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng đối với tổ chức tín dụng:

- Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.

+ Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.

+ Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

3. Tổng hợp các văn bản quy định về kinh doanh vàng mới nhất 2024

Việc kinh doanh vàng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nhà nước. THƯ VIỆN PHÁP LUẬT trân trọng gửi đến khách hàng tổng hợp văn bản về kinh doanh vàng mới nhất 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi có văn bản mới.

1

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Nghị định 24/2012/NĐ-CP ban hành ngày 03/04/2012, có hiệu lực từ ngày 25/05/2012 quy định về hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm: Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng.

2

Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Nghị định 88/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 31/12/2019 quy định xử phạt vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng tại Điều 24, với mức xử phạt từ 10 triệu đồng đến 400 triệu đồng và bị tịch thu số vàng, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng tùy từng hành vi.

3

Nghị định 143/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Nghị định 143/2021/NĐ-CP sửa đổi Khoản 6, Khoản 10 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng. Cụ thể:

- Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;

+ Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm trong trường hợp tái phạm.

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm trong trường hợp tái phạm.

4

Thông tư 12/2015/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt nam ban hành

Một số nội dung nổi bật tại Thông tư 12/2015/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN:

- NHNN tạm ngừng giao dịch mua bán vàng miếng đối với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm phát hiện một trong các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 5  của Thông tư 06/2013/TT-NHNN.

- NHNN tạm ngừng giao dịch mua, bán vàng miếng đối với tổ chức tín dụng trong thời gian tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt trừ trường hợp:

Ban kiểm soát đặc biệt tại tổ chức tín dụng có văn bản đề nghị NHNN cho phép tổ chức tín dụng mua, bán vàng miếng với NHNN, chấm dứt cho phép tổ chức tín dụng mua, bán vàng miếng với NHNN.

Thông tư 12/2015/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/08/2015.

5

Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư 06/2013/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/03/2013, hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

6

Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Thông tư 22/2013/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 01/06/2014, quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường như:

- Đo lường đối với hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng;

- Đo lường đối với hoạt động thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ;

- Yêu cầu chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ.

7

Thông tư 24/2022/TT-NHNN sửa đổi Thông tư quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Sửa đổi quy định về thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là nội dung nổi bật tại Thông tư 24/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022. Cụ thể, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ có thể nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa hoặc qua dịch vụ bưu chính để được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu (sửa đổi số lượng bộ hồ sơ cần nộp là 01 bộ  so với quy định tại Thông tư 16/2012/TT-NHNN là phải nộp 02 bộ hồ sơ).

Thông tư 24/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2023.

8

Thông tư 15/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 15/2021/TT-NHNN gồm 4 Điều và Phụ lục 10b, có hiệu lực từ ngày 20/11/2021. Theo đó, bổ sung một số thêm một số thủ tục về kinh doanh vàng tại Thông tư 16/2012/TT-NHNN như sau:

- Bổ sung khoản 1b vào sau khoản 1a Điều 15 về thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu; Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng

- Bổ sung khoản 5 vào Điều 15 hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo cơ chế một cửa quốc gia.

9

Thông tư 29/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 29/2019/TT-NHNN ban hành 02 biểu mẫu mới tại Phụ lục 11 (mẫu báo cáo hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ) và Phụ lục 13 (mẫu giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng) thay thế biểu mẫu tương ứng tại Thông tư 16/2012/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2020.

10

Thông tư 03/2017/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 03/2017/TT-NHNN sửa đổi một số nội dung tại Thông tư 16/2012/TT-NHNN như sau:

- Sửa đổi Điều 8 về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;

- Sửa đổi Điều 9 về Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Thông tư 03/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 22/7/2017.

11

Thông tư 38/2015/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Thông tư 38/2015/TT-NHNN sửa đổi một số nội dung tại Thông tư 16/2012/TT-NHNN như:

- Sửa đổi Điều 3 về điều kiện cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;

- Sửa đổi Điều 8 về hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;

- Bổ sung Điều 11a về hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm đối với doanh nghiệp có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài.

Thông tư 38/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.

12

Thông tư 11/2014/TT-NHNN quy định việc mang vàng của cá nhân khi xuất, nhập cảnh do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Hạn chế mang vàng khi xuất, nhập cảnh của cá nhân là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 11/2014/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/05/2014. Cụ thể:

- Cá nhân xuất, nhập cảnh bằng hộ chiếu sẽ không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu;

- Cá nhân xuất, nhập cảnh bằng giấy thông hành, chứng minh thư biên giới vẫn được mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức, nhưng nếu quá 300g trở lên phải khai báo;

- Cá nhân Việt Nam được phép định cư nước ngoài nếu mang quá 01kg vàng trở lên phải có Giấy phép của NHNN chi nhánh cấp tỉnh đồng thời phải xin phép.

13

Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn về hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 10/07/2012.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.143.237.54
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!