Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Quy định về Phòng, chống tác hại của rượu bia mới nhất

Rượu, bia không chỉ gây hại cho sức khỏe tinh thần mà nó là nguyên nhân thúc đẩy hàng loạt các loại bệnh lý và nhiều vấn đề xã hội khác.

1. Tác hại của rượu bia

Theo Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 thì rượu, bia là tên gọi để chỉ một loại đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men, trong đó:

- Rượu là kết quả của quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm;

- Bia là kết quả của quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.

Rượu, bia gây ảnh hưởng, tác động có hại đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.

2. Các chính sách của Nhà nước trong phòng chống tác hại của rượu bia

Điều 3 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 đã đưa ra 05 chính sách lớn của Nhà nước trong công tác phòng chống tác hại của rượu bia, cụ thể:

"Điều 3. Chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Ưu tiên hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai.

3. Bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; chú trọng các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia của y tế cơ sở và ở cộng đồng; huy động xã hội hóa các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia.

4. Khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới nhằm giảm tác hại của rượu, bia.

5. Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia."

Chính sách phòng chống tác hại của rượu bia (Hình từ Internet)

3. Các địa điểm không được bán và uống rượu bia:

Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 và Điều 3 Nghị định 24/2020/NĐ-CP đã quy định các địa điểm cấm uống rượu bia như sau: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; Cơ sở bảo trợ xã hội; Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia; Công viên (trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định 24/2020/NĐ-CP có hiệu lực); Nhà chờ xe buýt; Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này (trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu bia).

Các địa điểm không được bán rượu bia theo quy định tại Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục; Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; Cơ sở bảo trợ xã hội; Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia).

4. Tổng hợp các văn bản hướng dẫn phòng chống tác hại rượu bia mới nhất

1

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 số 44/2014/QH19 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.

Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2

Nghị định 24/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Nghị định 24/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 24/02/2020.

Nghị định này quy định một số biện pháp giảm mức tiêu thụ và quản lý việc cung cấp rượu, bia bao gồm địa điểm công cộng không được uống rượu, bia; hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình; quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia; việc thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia trong hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; nội dung, mức chi cho hoạt động phòng chống tác hại của rượu bia; trách nhiệm thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông và trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của rượu bia.

3

Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2020.

Các Điều 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37 của Nghị định này quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia.

4

Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Nghị định 124/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.

Khoản 7 Điều 2 Nghị định này sửa đổi mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm về khuyến mại rượu, bia tại Điều 32 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

5

Quyết định 4946/QĐ-BYT năm 2020 về tài liệu "Hướng dẫn sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Quyết định 4946/QĐ-BYT có hiệu lực kể từ ngày 26/11/2020.

Tài liệu ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng” được áp dụng tại cộng đồng, cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và các cơ sở y tế có liên quan khác trong cả nước.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.227.21.101
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!