Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh sách các văn bản nổi bật liên quan đến Giống cây trồng mới nhất

Dưới đây là danh sách các văn bản quan trọng liên quan đến Giống cây trồng được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp.

1. Giống cây trồng là gì?

Căn cứ Khoản 5 Điều 2 Luật Trồng trọt 2018 có quy định khái niệm của giống cây trồng, theo đó giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.

Danh sách các văn bản nổi bật liên quan đến Giống cây trồng mới nhất (Hình từ Internet)

2. Nguyên tắc đặt tên giống cây trồng được quy định như thế nào?

Theo Điều 14 Luật Trồng trọt 2018 thì nguyên tắc đặt tên giống cây được quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất, tên giống cây trồng không được chấp nhận trong trường hợp sau đây:

- Chỉ bao gồm chữ số;

- Vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;

- Trùng cách đọc hoặc cách viết với tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, các loại thực phẩm, đồ uống, dược phẩm;

- Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của giống cây trồng, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan;

- Dễ gây hiểu nhầm về đặc trưng, đặc tính của giống đó;

- Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;

- Trùng với tên của giống cây trồng đã được bảo hộ.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân mua bán vật liệu nhân giống của giống cây trồng phải sử dụng tên giống đã được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng.

Ngoài ra, khi sử dụng tên giống cây trồng kết hợp với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc các chỉ dẫn tương tự với tên giống cây trồng đã được công nhận lưu hành hoặc công bố lưu hành để sản xuất, mua bán thì tên đó phải có khả năng nhận biết một cách dễ dàng.

3. Điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng

Căn cứ Điều 22 Luật Trồng trọt 2018 quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng cụ thể như sau:

Điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;

b) Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

2. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều kiện về sản xuất, buôn bán giống cây trồng được quy định chi tiết tại Điều 8 Nghị định 94/2019/NĐ-CP.

4. Tổng hợp văn bản quy định về Giống cây trồng mới nhất 2024

1

Luật Trồng trọt 2018

Luật Trồng trọt 2018 số 31/2018/QH14 quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.

Trong đó, nội dung liên quan đến giống cây trồng được quy định cụ thể tại Chương II Luật này, với một số điều khoản đáng chú ý như là:

- Quy định về tên giống cây trồng tại Điều 14;

- Quy định về yêu cầu chung về khảo nghiệm giống cây trồng tại Điều 19;

- Quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng tại Điều 22;

- Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động về giống cây trồng tại Mục 7 Chương II.

2

Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác

Nghị định 94/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2020 quy định chi tiết khoản 2 Điều 12, khoản 8 Điều 15, khoản 3 Điều 16, khoản 3 Điều 17, khoản 4 Điều 21, khoản 3 Điều 22, khoản 7 Điều 24, khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28, khoản 5 Điều 29, khoản 2 Điều 56, khoản 3 Điều 57 của Luật Trồng trọt.

Trong đó, nội dung liên quan đến giống cây trồng được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này, với một số nội dung đáng chú ý như là:

- Quy định về bảo tồn nguồn gen giống cây trồng và Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu tại Điều 3;

- Quy định chi tiết điều kiện về sản xuất, buôn bán giống cây trồng tại Điều 8;

- Quy định về ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng tại Điều 10.

3

Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt

Nghị định 31/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/07/2023 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt.

Trong đó, nội dung về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả về các hoạt động liên quan đến giống cây trồng được quy định tại Chương II Nghị định này, với một số nội dung đáng chú ý sau đây:

- Vi phạm quy định về sản xuất giống cây trồng tại Điều 10;

- Vi phạm quy định về buôn bán giống cây trồng tại Điều 11;

- Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng lần lượt tại Điều 14 và Điều 15.

4

Nghị định 130/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón, Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác

Nghị định 130/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/12/2022.

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón và Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

5

Thông tư 45/2011/TT-BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng giống cây trồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 45/2011/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 24/12/2011.

Thông tư này ban hành 08 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng giống cây trồng.

6

Thông tư 26/2019/TT-BNNPTNT quy định về lưu mẫu giống cây trồng; kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng; kiểm tra nhà nước về chất lượng giống cây trồng nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 26/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 10/02/2020 quy định việc lưu mẫu giống cây trồng khi đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành, đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng; kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng; kiểm tra nhà nước về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng nhập khẩu.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về lưu mẫu giống cây trồng tại Chương II, hay quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng giống cây trồng nhập khẩu tại Chương IV.

7

Thông tư 18/2019/TT-BNNPTNT quy định việc cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 18/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 quy định việc cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt bao gồm: Cơ sở dữ liệu về giống cây trồng; phân bón; sản xuất trồng trọt; đất trồng trọt; chế biến và thị trường sản phẩm trồng trọt; văn bản quy phạm pháp luật về trồng trọt; văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến trồng trọt; kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trồng trọt.

Một số nội dung đáng chú ý liên quan đến giống cây trồng tại Thông tư này là quy định về cơ sở dữ liệu về giống cây trồng tại Điều 4; quy định về tần suất cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt tại Điều 10; hay quy định về bảo đảm an ninh, an toàn cho cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt tại Điều 13.

8

Thông tư 46/2015/TT-BNNPTNT quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 46/2015/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 28/01/2016 quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về hình thức và phương thức đánh giá hợp quy tại Điều 4; quy định về các bước đánh giá hợp quy giống cây trồng sản xuất trong nước tại Điều 6; hay quy định về công bố hợp quy và dấu hợp quy tại Điều 15.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.168.160
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!