Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Luật Tài nguyên nước hiện hành và các văn bản hướng dẫn

Luật Tài nguyên nước 2023 số 28/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024. Dưới đây là danh mục các văn bản hướng dẫn Luật Tài nguyên nước mà THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp được.

1. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Theo Điều 3 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, như sau:

- Bảo đảm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, công bằng, hợp lý trong bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.

- Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng; giữa nước mặt và nước dưới đất; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.

- Quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa giới hành chính; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn.

- Bảo vệ tài nguyên nước phải lấy phòng ngừa là chính, gắn với việc bảo vệ số lượng, chất lượng nước; bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng gắn liền với bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy, chức năng nguồn nước.

- Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải được kê khai, đăng ký, cấp phép, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước, theo phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước và phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước; bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, tiết kiệm, hiệu quả.

- Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải phù hợp với quy luật, điều kiện tự nhiên; văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng; cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

- Phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra phải có kế hoạch và biện pháp chủ động; bảo đảm kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, địa phương, ngành, lĩnh vực; kết hợp giữa khoa học, công nghệ tiên tiến với kinh nghiệm truyền thống và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

- Quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt; kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phải gắn với khả năng, chức năng nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, không vượt quá ngưỡng khai thác nước dưới đất và phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước.

- Bảo vệ, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật Tài nguyên nước hiện hành và các văn bản hướng dẫn (Hình từ Internet)

2. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với Tài nguyên nước

Theo Điều 8 Luật Tài nguyên nước 2023 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với tài nguyên nước, bao gồm:

- Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước.

- Xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển.

- Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

- Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

- Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ chứa, kênh, mương, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục.

- Khai thác trái phép cát, sỏi, bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, trong hành lang bảo vệ nguồn nước; khoan, đào, xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ.

- Phá hoại các công trình bảo vệ, điều tiết, tích trữ nước, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

- Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước.

- Không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Xây dựng đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.

3. Danh mục văn bản hướng dẫn Luật Tài nguyên nước mới nhất

1

Nghị định 53/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài nguyên nước

Nghị định 53/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định chi tiết Điều 7, khoản 5 Điều 9, Điều 10, khoản 5 Điều 17, Điều 19, khoản 9 Điều 23, Điều 30, khoản 5 Điều 31, Điều 35, khoản 3 Điều 37, khoản 10 Điều 38, khoản 3 Điều 51, khoản 10 Điều 63, khoản 6 Điều 66, khoản 5 Điều 71, khoản 5 Điều 81 của Luật Tài nguyên nước 2023 về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; hành lang bảo vệ nguồn nước; việc xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; quy định nguồn nước phải cắm mốc giới hành lang bảo vệ và việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; ngưỡng khai thác nước dưới đất; xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; chuyển nước lưu vực sông; quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước; hạ tầng kỹ thuật vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực; quy trình điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa; lập, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực; xây dựng quy chế phối hợp vận hành đối với các đập, hồ chứa trên sông, suối; đối tượng, quy mô, chế độ, thông số, chỉ tiêu quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước và lộ trình thực hiện; lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; hạch toán tài nguyên nước và lộ trình thực hiện; việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; tổ chức và hoạt động của tổ chức lưu vực sông.

2

Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định về hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Nghị định 54/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định chi tiết khoản 3 Điều 31, Điều 52, khoản 5 Điều 53, khoản 6 Điều 69 và Điều 70 của Luật Tài nguyên nước 2023 về việc cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất; việc nộp, miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; dịch vụ về tài nguyên nước.

Trọng tâm của văn bản như là:

Mục 2 Chương II quy định về kê khai, đăng ký, cấp phép về tài nguyên nước

Mục 1 Chương III Hành nghề khoan nước dưới đất

3

Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản

Nghị định 36/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/05/2020 quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước quy định tại Nghị định 36/2020/NĐ-CP bao gồm: Vi phạm các quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vi phạm các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; vi phạm các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước được quy định cụ thể tại Chương II (Từ Điều 6 đến Điều 29) Nghị định 36/2020/NĐ-CP.

4

Nghị định 04/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ

Nghị định 04/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/01/2022 sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ. Cụ thể sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước tại Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP.

5

Thông tư 03/2024/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Tài nguyên nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Thông tư 03/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định chi tiết thi hành khoản 4 Điều 22, khoản 9 Điều 24, điểm b khoản 2 Điều 26, khoản 8 Điều 31, khoản 3 Điều 39 của Luật Tài nguyên nước 2023 về phân vùng chức năng nguồn nước mặt; xác định, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu; xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật Tài nguyên nước; lập, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; bổ sung nhân tạo nước dưới đất. 

Chú ý các quy định tại các Điều sau:

- Điều 4. Trình tự thực hiện phân vùng chức năng nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch

- Điều 9. Các trường hợp phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt

- Điều 17. Phương pháp tính toán các đặc trưng dòng chảy phục vụ xác định dòng chảy tối thiểu

- Điều 23. Trình tự lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất

- Điều 27. Các trường hợp thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất

6

Thông tư 04/2024/TT-BTNMT quy định kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Thông tư 04/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định chi tiết thi hành khoản 1 Điều 9 của Luật Tài nguyên nước về thẩm định và nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước theo dự án, đề án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và khoản 5 Điều 83 của Luật Tài nguyên nước về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.

Các hoạt động sau đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này:

- Hoạt động kiểm tra phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước của lực lượng Công an nhân dân;

- Thẩm định, phê duyệt đề cương dự án; thẩm định, nghiệm thu hạng mục công việc trong quá trình thực hiện dự án; thẩm định, phê duyệt quyết toán dự án; kiểm định xây dựng, máy móc, thiết bị đo đạc, quan trắc về tài nguyên nước.

7

Thông tư 05/2024/TT-BTNMT quy định về di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Thông tư 05/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định chi tiết việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 51 của Luật Tài nguyên nước.

Điều 6 quy định các trường hợp phải di chuyển, thay đổi vị trí, như sau:

- Có quyết định thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong đó có thu hồi diện tích đất xây dựng trạm quan trắc.

- Trạm quan trắc bị hư hỏng không thể khắc phục sửa chữa để đáp ứng mục đích quan trắc.

- Do các tác động tự nhiên, hoạt động kinh tế - xã hội dẫn đến trạm quan trắc không còn đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ thiết kế.

Chú ý các quy định tại Điều 7. Điều kiện để xem xét quyết định về vị trí di chuyển, thay đổi và Điều 9. Hồ sơ di chuyển, thay đổi vị trí và đưa vào vận hành.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.211.71
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!