Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Toàn bộ văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa hiện nay

Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

1. Biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Căn cứ theo Điều 32 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định như sau:

-  Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm:

+ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp cho thương nhân;

+ Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do thương nhân phát hành theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật Quản lý ngoại thương 2017.

-  Xuất xứ hàng hóa và chứng nhận xuất xứ hàng hóa được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP.

Toàn bộ văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa (Hình ảnh từ Internet)

2. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định như sau:

- Đối với thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định (có thay đổi về định mức số lượng, định mức trọng lượng, mã HS, trị giá và nguồn cung nguyên liệu đối với cả nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm đầu ra mỗi lần cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa), hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm:

+ Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP;

+ Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương ứng đã được khai hoàn chỉnh;

+ Bản in tờ khai hải quan xuất khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không phải khai báo hải quan theo quy định của pháp luật không cần nộp bản sao tờ khai hải quan;

+ Bản sao hóa đơn thương mại (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);

+ Bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn. Thương nhân được xem xét không cần nộp chứng từ này trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa có hình thức giao hàng không sử dụng vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải khác theo quy định của pháp luật hoặc thông lệ quốc tế;

+ Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo mẫu do Bộ Công Thương quy định;

+ Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước theo mẫu do Bộ Công Thương quy định trong trường hợp nguyên liệu đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác;

+ Bản sao Quy trình sản xuất hàng hóa (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);

+ Trong trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của thương nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định 31/2018/NĐ-CP; hoặc yêu cầu thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp bổ sung các chứng từ dưới dạng bản sao (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) như: Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất); hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu mua trong nước trong quá trình sản xuất); giấy phép xuất khẩu (nếu có); chứng từ, tài liệu cần thiết khác.

- Đối với thương nhân sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cố định (không thay đổi về định mức số lượng, định mức trọng lượng, mã HS, trị giá và nguồn cung nguyên liệu đối với nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra), hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu tiên bao gồm các chứng từ theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP. Từ lần đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tiếp theo, thương nhân chỉ cần nộp các chứng từ theo quy định từ điểm a đến điểm đ Khoản 1 Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP. Các chứng từ trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nêu tại điểm e, điểm g và điểm h, Khoản 1 Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP có giá trị trong thời hạn 2 năm kể từ ngày thương nhân nộp cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong trường hợp có sự thay đổi trong thời hạn 2 năm này, thương nhân cập nhật thông tin liên quan đến các chứng từ trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nêu tại điểm e, điểm g và điểm h Khoản 1 Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CPcho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

- Trong trường hợp chưa có các chứng từ nêu tại điểm c và điểm đ Khoản 1 Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phép nộp các chứng từ này sau nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Sau thời hạn này nếu thương nhân không nộp bổ sung chứng từ, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa yêu cầu thu hồi hoặc hủy Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp theo quy định tại Điều 22 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.

- Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có quyền yêu cầu thương nhân cung cấp bản chính của các chứng từ trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 15 để kiểm tra, đối chiếu trong trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của các chứng từ này.

- Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xem xét cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa xuất khẩu gửi kho ngoại quan đến các nước thành viên theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Ngoài các chứng từ quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, thương nhân nộp thêm các chứng từ sau:

+ Bản sao tờ khai hàng hóa nhập kho, xuất kho ngoại quan có xác nhận hàng đến cửa khẩu xuất của cơ quan hải quan (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);

+ Bản sao hợp đồng hoặc văn bản có nội dung chỉ định thương nhân Việt Nam giao hàng cho người nhập khẩu ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập theo Điều ước quốc tế (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).

- Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xem xét cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho ngoại quan, khu phi thuế quan và các khu vực hải quan riêng khác có quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu với nội địa trong trường hợp hàng hóa đó đáp ứng các quy tắc xuất xứ ưu đãi quy định tại Chương II hoặc quy tắc xuất xứ không ưu đãi quy định tại Chương III Nghị định 31/2018/NĐ-CP. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.

3. Tổng hợp văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa

1

Luật Quản lý ngoại thương 2017

Luật Quản lý ngoại thương 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.
Trong đó, Mục 4 Chương 2 Luật này quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

2

Luật Hải quan 2014

Luật Hải quan 2014 có hiệu lực ngày 01/01/2015 quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ hải quan; về tổ chức và hoạt động của Hải quan.

Điều 27 Luật này quy định về xác định xuất xứ hàng hóa.

3

Nghị định 31/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa

Nghị định 31/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/03/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu áp dụng đối với thương nhân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

4

Thông tư 15/2018/TT-BCT quy định về phân luồng trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Thông tư 15/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/08/2018 quy định về việc phân luồng trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi áp dụng đối với:

- Thương nhân đề nghị cấp C/O ưu đãi;

- Cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi theo Điều ước quốc tế;

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

5

Thông tư 39/2018/TT-BCT quy định về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Thông tư 39/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 14/12/2018 quy định việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trước và sau khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định nước nhập khẩu và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của thương nhân theo khoản 1 Điều 28 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.

6

Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Thông tư 05/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 03/04/2018 quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa và kê khai xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu.

7

Thông tư 44/2023/TT-BCT sửa đổi Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Thông tư 44/2023/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/02/2024 sửa đổi Thông tư 05/2018/TT-BCT
Thay thế Phụ lục II (Bảng kê khai hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí “WO”, sử dụng nguyên liệu thu mua trong nước, không có hóa đơn giá trị gia tăng) tại Thông tư số 05/2018/TT-BCT.

8

Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 33/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/07/2023 quy định hồ sơ, kiểm tra xác định trước xuất xứ; khai và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thủ tục, nội dung kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Trong đó, Chương 2 quy định xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Chương 3 quy định khai, nộp, kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu
Chương 4 quy định khai, nộp, kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ hàng hóa nhập khẩu

9

Thông tư 37/2022/TT-BCT về quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 37/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/03/2023 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản
Trong đó, Chương 2 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa
Chương 3 quy định chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa

10

Thông tư 05/2022/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 05/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 04/04/2022 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực
Trong đó, Chương 2 quy định cách xác định xuất xứ hàng hóa
Chương 3 quy định chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa

11

Thông tư 10/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Thông tư 10/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 16/07/2022 sửa đổi Thông tư số 22/2016/TT-BCT
Ban hành kèm theo Thông tư này là Phụ lục 1: Cơ chế chứng nhận xuất xứ và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa

12

Thông tư 08/2020/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 08/2020/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 25/05/2020 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba
Trong đó, Chương 2 quy định cách xác định xuất xứ hàng hóa
Chương 3 quy định quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa

13

Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 11/2020/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu
Trong đó, Chương 2 quy định cách xác định xuất xứ hàng hóa
Chương 3 quy định chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa

14

Thông tư 21/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hồng Công, Trung Quốc do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Thông tư 21/2019/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 23/12/2019 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hồng Công, Trung Quốc
Trong đó, Chương 2 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa
Chương 3 quy định quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa

15

Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 03/2019/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 08/03/2019 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Trong đó, Chương 2 quy định quy tắc chung về xuất xứ hàng hóa
Chương 3 quy định quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa.

16

Thông tư 39/2018/TT-BCT quy định về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Thông tư 39/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 14/12/2018 quy định việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trước và sau khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định nước nhập khẩu và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của thương nhân theo khoản 1 Điều 28 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa
Trong đó, Chương 2 quy định kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Chương 3 quy định kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất.

17

Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 02/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 27/06/2021 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
Trong đó, Chương 2 quy định cách xác định xuất xứ hàng hóa
Chương 3 quy định quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa

18

Thông tư 22/2016/TT-BCT thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Thông tư 22/2016/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/11/2016 quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN
Trong đó, Điều 2 quy định quy tắc xuất xứ
Điều 3 quy định thủ tục cấp, kiểm tra C/O và tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

19

Thông tư 28/2015/TT-BCT về thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 28/2015/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 05/10/2015 quy định thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Bản ghi nhớ ký ngày 29 tháng 8 năm 2012 giữa các nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa Phi-líp-pin, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a tại Xiêm-Riệp, Vương quốc Cam-pu-chia về thực hiện dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ số 2; thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ASEAN theo quy định tại Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
Trong đó, Chương 5 quy định kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa và xử lý vi phạm

20

Thông tư 12/2019/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Hoa do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Thông tư 12/2019/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 12/09/2019 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Trong đó, Chương 2 quy định quy tắc chung về xuất xứ hàng hóa
Chương 3 quy định chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa

21

Thông tư 21/2016/TT-BCT quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 21/2016/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 05/10/2016 quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu
Trong đó, Điều 2 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định VN - EAEU FTA
Điều 3 quy định thủ tục cấp và kiểm tra Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EAV

22

Thông tư 38/2018/TT-BCT quy định về thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 38/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 14/12/2018 quy định chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (sau đây gọi là GSP) của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong đó, Chương 3 quy định chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.10.75
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!