Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản quan trọng về đầu tư trong lĩnh vực giáo dục

Dưới đây là những văn bản quan trọng về đầu tư trong lĩnh vực giáo dục do THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp

1. Nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục

Theo Điều 95 Luật Giáo dục 2019, nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục bao gồm:

- Ngân sách nhà nước;

- Nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

- Nguồn thu từ dịch vụ giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục; nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; lãi tiền gửi ngân hàng và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

- Kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước;

- Nguồn vốn vay;

- Nguồn tài trợ, viện trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Tổng hợp văn bản quan trọng về đầu tư trong lĩnh vực giáo dục (Hình từ internet)

2.  Điều kiện cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục

Theo Điều 5 Nghị định 125/2024/NĐ-CP, điều kiện cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục như sau:

- Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng các tiêu chuẩn về địa điểm, quy mô, diện tích và cơ sở vật chất tối thiểu đối với trường mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt, có thể thay thế diện tích khu đất xây dựng trường bằng diện tích sàn xây dựng và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng không thấp hơn diện tích đất bình quân tối thiểu cho một trẻ em theo quy định.

- Có chương trình giáo dục, tài liệu, học liệu đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động bảo đảm về số lượng, đạt tiêu chuẩn để tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục:

+ Đối với trường mầm non tư thục, mức đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.

Đối với trường hợp trường mầm non tư thục không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc sử dụng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức đầu tư quy định tại điểm a khoản này;

+ Đối với trường mầm non công lập, dân lập, nguồn lực tài chính do cơ quan quản lý có thẩm quyền hoặc cộng đồng dân cư ở cơ sở chịu trách nhiệm bảo đảm nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định.

- Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

3. Điều kiện thành lập trường tiểu học công lập hoặc cho phép thành lập trường tiểu học tư thục

Theo Điều 15 Nghị định 125/2024/NĐ-CP, điều kiện thành lập trường tiểu học công lập hoặc cho phép thành lập trường tiểu học tư thục như sau:

- Có đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trường tiểu học phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương nơi trường đặt trụ sở.

- Đề án xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục tiểu học; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.

4. Điều kiện thành lập trường trung học cơ sở, trung học phổ thông

Theo Điều 25 Nghị định 125/2024/NĐ-CP, điều kiện thành lập trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập hoặc cho phép thành lập trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học tư thục như sau:

- Có đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trường trung học phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương nơi trường đặt trụ sở.

- Đề án xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.

5. Tổng hợp văn bản quan trọng về đầu tư trong lĩnh vực giáo dục

1

Luật Đầu tư 2020

Luật Đầu tư 2020 số 61/2020/QH14 có hiệu lực từ 01/01/2021, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Tại Điều 16 Luật này quy định Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học là ngành nghề được ưu đãi đầu tư.

2

Luật giáo dục 2019

Luật giáo dục 2019 số 43/2019/QH14 có hiệu lực từ 01/7/2020, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục. Chương VII Luật này quy định về đầu tư trong giáo dục.

3

Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục

Nghị định 125/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/11/2024, quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

4

Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư

Nghị định 31/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/03/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư về điều kiện đầu tư kinh doanh; ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm đầu tư kinh doanh; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; thủ tục đầu tư; hoạt động đầu tư ra nước ngoài; xúc tiến đầu tư; quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài. Nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư trong giáo dục được quy định tại Mục VI Phụ lục II Nghị định này.

5

Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non

Nghị định 105/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/11/2020, quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 27 và khoản 2 Điều 81 Luật Giáo dục. Chương II Nghị định này quy định chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non.

6

Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

Nghị định 86/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/08/2018, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm: liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

7

Nghị định 124/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

Nghị định 124/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/11/2024, sửa đổi Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

8

Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

Nghị định 04/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/03/2021, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Tại Mục 5 Chương II Nghị định này quy định các hành vi vi phạm quy định đối với nhà đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

9

Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 15/4/2023, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên. Tại Điều 5 Thông tư này quy định Chính sách đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của trường trung học phổ thông chuyên. 

10

Thông tư 04/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 04/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 05/05/2020, hướng dẫn Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm: việc tích hợp chương trình giáo dục của Việt Nam với chương trình giáo dục của nước ngoài; nội dung giáo dục, đào tạo bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.68.18
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!