1. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Theo quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
- Cầm cố tài sản: là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. (Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015)
- Thế chấp tài sản: là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp. (Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015)
- Đặt cọc: là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. (Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015)
- Ký cược: là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê. (Điều 329 Bộ luật Dân sự 2015)
- Ký quỹ: là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. (Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015)
- Bảo lưu quyền sở hữu: trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ. (Điều 331 Bộ luật Dân sự 2015)
- Bảo lãnh: là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. (Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015)
- Tín chấp: tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật. (Điều 344 Bộ luật Dân sự 2015)
- Cầm giữ tài sản: là việc bên có quyền đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. (Điều 346 Bộ luật Dân sự 2015)
Các văn bản nổi bật về Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Hình từ Internet)
2. Phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm
Theo Điều 293 Bộ luật Dân sự 2015, phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm được quy định như sau:
- Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại.
- Nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.
- Trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bên cạnh đó, các bên có thể thỏa thuận bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai. Trong trường hợp này, các bên có quyền thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó. (theo quy định tại Điều 294 Bộ luật Dân sự 2015)
3. Các văn bản nổi bật về Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
1
Bộ luật dân sự 2015
Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Trong đó, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Mục 3 Chương XV Phần thứ ba của Bộ luật này.
2
Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Nghị định 21/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/05/2021 quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm.
3
Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm
Nghị định 99/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2023 quy định về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản và quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
4
Thông tư 07/2024/TT-BTP bãi bỏ các Thông tư liên tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên tịch ban hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm
Thông tư 07/2024/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 02/08/2024 về việc bãi bỏ 02 thông tư liên tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên tịch ban hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.
5
Thông tư 08/2018/TT-BTP hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp
Thông tư 08/2018/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 04/08/2018 hướng dẫn một số vấn đề đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ; trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.
6
Thông tư 06/2020/TT-BTP sửa đổi Thông tư 08/2018/TT-BTP hướng dẫn vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp
Thông tư 06/2020/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 01/02/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2018/TT- BTP.
Một số nội dung sửa đổi đáng chú ý:
- Sửa đổi Điều 1 về Phạm vi điều chỉnh tại Khoản 1 Điều 1;
- Sửa đổi Điều 5 thành Đăng ký biện pháp bảo đảm tại Khoản 3 Điều 1;
- Bổ sung Điều 5a về Đăng ký hợp đồng tại Khoản 4 Điều 1;
- Bổ sung Điều 7a về Đăng ký trực tuyến trong trường hợp không yêu cầu cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm tại Khoản 6 Điều 1.
7
Quyết định 1225/QĐ-BTP năm 2023 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
Quyết định 1225/QĐ-BTP năm 2023 có hiệu lực từ ngày 29/06/2023.
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; thực hiện các dịch vụ công về đăng ký, cung cấp thông tin biện pháp bảo đảm và giao dịch, tài sản khác theo thẩm quyền và thủ tục được pháp luật quy định.
8
Quyết định 43/QĐ-BTP năm 2023 về Kế hoạch thực hiện Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
Quyết định 43/QĐ-BTP năm 2023 có hiệu lực từ ngày 16/01/2023 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm.