Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh mục văn bản quy định về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Quy định về thăng hạng chức danh nghề nghiệp hiện nay. Tổng hợp danh mục văn bản quy định về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

1. Thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là gì?

Theo Điều 2 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định thăng hạng chức danh nghề nghiệp là việc viên chức được bổ nhiệm giữ chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn trong cùng một lĩnh vực nghề nghiệp.

Danh mục văn bản về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (Hình từ Internet)

2. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP

- Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

+ Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật;

+ Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

+ Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng. Trường hợp tại thời điểm xét thăng hạng mà Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chưa ban hành quy định nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì không phải đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp; viên chức được xét thăng hạng được coi là đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của hạng được xét;

+ Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng, trừ trường hợp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chức danh nghề nghiệp đó theo quy định tại thời điểm xét không có hạng dưới liền kề.

Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác (không tính thời gian tập sự theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP) theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ.

Trường hợp tính thời gian tương đương thì phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp dự xét ít nhất 12 tháng tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.

- Ngoài tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành có trách nhiệm quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với trường hợp thăng lên hạng II và hạng I thuộc ngành, lĩnh vực quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp dự xét, bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ và quyền lợi của viên chức.

Bộ Nội vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với trường hợp thăng lên hạng II và hạng I áp dụng cho viên chức hành chính, viên chức văn thư và viên chức lưu trữ.

Đối với viên chức hạng V và viên chức hạng IV được xét thăng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề nếu đang làm công việc ở vị trí việc làm phù hợp với chức danh nghề nghiệp được xét và đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện xét theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

Đối với trường hợp viên chức đang xếp ở hạng chức danh nghề nghiệp mà hạng chức danh nghề nghiệp này không còn theo quy định của pháp luật hiện hành thì được xét thăng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ nếu đang công tác ở vị trí việc làm phù hợp và đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp có sự thay đổi mã số chức danh nghề nghiệp

3. Tổng hợp văn bản quy định về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

 Các văn bản quy định về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được tổng hợp tại danh mục dưới đây:

1

Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

Nghị định 115/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 29/09/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện thành lập theo quy định của pháp luật. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu được thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ yếu,...
Trong đó tại Mục 2 Chương III Nghị định 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định về chức danh nghề nghiệp. Nguyên tắc tổ chức thi, tiêu chuẩn điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

2

Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

Nghị định 85/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/12/2023 sửa đổi Nghị định 115/2020/NĐ-CP
Trong đó tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định này sửa đổi Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Khoản 17 Điều 1 sửa đổi Nghị định 115/2020/NĐ-CP về phân công, phân cấp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập.

3

Thông tư 11/2024/TT-BYT quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 11/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/09/2024 quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số, bao gồm:
1. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên chức danh Bác sĩ cao cấp (hạng I), Bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I), Y tế công cộng cao cấp (hạng I), Dược sĩ cao cấp (hạng I);
2. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên chức danh Bác sĩ chính (hạng II), Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II), Y tế công cộng chính (hạng II), Dược sĩ chính (hạng II), Điều dưỡng hạng II, Hộ sinh hạng II, Kỹ thuật y hạng II, Dinh dưỡng hạng II, Dân số viên hạng II.

4

Thông tư 02/2024/TT-BVHTTDL quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, tuyên truyền viên văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch ban hành

Thông tư 02/2024/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, tuyên truyền viên văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

5

Thông tư 03/2024/TT-BVHTTDL quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Thông tư 03/2024/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng II và lên hạng I viên chức chuyên ngành thể dục thể thao làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

6

Thông tư 17/2024/TT-BGTVT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 17/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 quy định: 
-Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II đối với viên chức chuyên ngành kỹ thuật bến phà.
-Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng I, hạng II đối với viên chức các chuyên ngành:
+ Quản lý dự án hàng hải;
+ Quản lý dự án đường thuỷ;
+ Quản lý dự án đường bộ;
+ Quản lý dự án đường sắt;
+ Kỹ thuật đường bộ;
+ Tìm kiếm cứu nạn hàng hải;
+ Thông tin an ninh hàng hải;
+ Cảng vụ đường thuỷ nội địa;
+ Cảng vụ hàng hải;
+ Cảng vụ hàng không;
+ Đăng kiểm.

7

Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường dự bị đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/01/2024 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên đối với giáo viên giảng dạy trong các trường dự bị đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên
Trong đó tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định này quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II.
Khoản 3 Điều 6 quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I.

8

Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/10/2023 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương; tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; nội dung, hình thức và xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

9

Thông tư 02/2023/TT-BNNPTNT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 02/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 20/07/2023 quy định về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức các chuyên ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, kiểm nghiệm thủy sản, khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng

10

Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 10/12/2022 quy định về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành thể dục thể thao
Trong đó tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định này quy định yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I)
Khoản 4 Điều 5 quy định yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II)
Khoản 4 Điều 5 quy định yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III)

11

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 07/11/2024 quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông lên hạng II và lên hạng I.
Trong đó, Điều 3 quy định tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.29.209
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!